Bắp tím (tên khoa học là Zea mays L.) từ lâu được người dân ở dãy Andes, Peru chiết xuất lấy màu thực phẩm và làm đồ uống. Khác với giống bắp thuần hạt tím, loại bắp tím nếp dẻo hiện trồng ở Việt Nam là giống bắp lai, gồm hai màu tím trắng xen lẫn, có xuất xứ từ Thái Lan, được lai tạo giống nhằm cải thiện năng suất và phù hợp nhiều loại đất trồng.
Có cùng đặc điểm với dòng bắp nếp dẻo, thơm, ngọt, bắp tím có thành phần và giá trị dinh dưỡng cao: chứa nhiều beta caroten, vitamin A, sinh tố B (thiamin, riboflavin, niacin), C, hợp chất phenolic và nhiều khoáng vi lượng như Ca, P, Fe, Na, K, protein, chất xơ, dầu, đường. Bên cạnh đó, màu tím hạt bắp được quy định bởi sắc tố anthocyanin rất có ích cho sức khỏe.
Anthocyanin từ lâu được biết như một hợp chất kháng khuẩn và nấm gây bệnh như Salmonella enteritidis, Staphylococcus aureus, Candida albicans... Hàm lượng anthocyanin trong bắp tím cao gấp năm lần trong bắp cải tím, gấp 10-100 lần so với các loài nho, 30 lần so với các loại đậu đen, cao gấp 20 lần cà tím hay 30 lần hành tím.
Bắp tím được chế biến thành: bắp luộc, xôi bắp, sữa bắp... Do tính bền, ổn định nhiệt trong biên độ rộng, anthocyanin vẫn giữ nguyên các hoạt tính sau khi chế biến. Trên thế giới cũng có nhiều đặc sản từ bắp tím nổi tiếng: người dân Peru với thức uống lên men Chica morada, dùng hạ huyết áp và giảm viêm; món bánh ngô với bắp tím nấu trong nước vôi, sau đó xay ra cán lên đĩa là đặc sản của Mexico.
Các bài khác: |