Theo các chuyên gia tâm lý Australia, để tạo lập thói quen tự giác đi vệ sinh cho trẻ, ngoài sự kiên nhẫn, cha mẹ còn phải rất am hiểu các giai đoạn phát triển của bé. Trẻ ở lứa tuổi nào cũng cần học cách biểu đạt các nhu cầu cơ bản. Thông thường, bé từ 2 tuổi trở lên đã có thể tập thói quen đi bô, mặc dù có nhiều trẻ phát triển kỹ năng này từ lúc 18 tháng.
Trước khi rèn bé thói quen vào nhà vệ sinh hay ngồi bô, cha mẹ cần tạo lập chu trình này hằng ngày cho trẻ. Tuy nhiên, chỉ nên thực hành việc này khi:
- Bé đã biết đi và có thể ngồi im trong một khoảng thời gian ngắn.
- Có thể tự giác hoàn thành những nhiệm vụ nhỏ.
- Tỏ ra hứng thú khi nhìn những người khác vào nhà vệ sinh (việc này có thể khiến bạn không thoải mái nhưng đây là một phương pháp khá tốt để giới thiệu thói quen mới)
- Không phải thay tã - bỉm trong vòng hơn 2 tiếng. Điều này có nghĩa là nước tiểu của trẻ được giữ lại trong bàng quang (ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bàng quang tự động thải nước tiểu).
- Bé biết thông báo cho bố mẹ (hoặc đưa ra dấu hiệu) tã/bỉm của bé dơ. Nếu con làm điều này trước khi đại tiện hoặc tiểu tiện nghĩa là bé đã sẵn sàng cho việc ngồi bô.
- Bắt đầu tỏ thái độ không thoải mái khi mặc bỉm, nhất là khi bỉm đã ướt hoặc bẩn.
- Đại tiện thường xuyên, phân mềm, ổn định.
- Biết kéo quần lên xuống.
- Có thể làm theo một số hướng dẫn đơn giản.
- Hiểu về những sự vật, đồ vật xung quanh môi trường sống.
Không phải tất cả các trẻ đều biểu hiện các dấu hiệu này nhưng một số điểm cơ bản sẽ gợi ý cho cha mẹ biết thời điểm nào là thuận lợi cho bé.
Khi bé đã sẵn sàng luyện tập cách đi vệ sinh, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là lựa chọn cho trẻ ngồi bô hay vào nhà vệ sinh. Ngồi bô có một số ưu điểm: bô là vật dụng gọn nhẹ và quen thuộc, tạo cho trẻ cảm giác thoải mái hơn. Một số cha mẹ khuyến khích con họ làm quen với cả ngồi bô và ngồi bồn cầu. Điều thứ hai cần nhớ là lựa chọn vật dụng phù hợp với trẻ. Nếu bé nhà bạn ngồi bồn cầu, chắc chắn bạn cần tạo bậc đỡ để bé bước lên. Cha mẹ cũng cần chuẩn bị đệm bồn cầu phù hợp với kích thước cơ thể của bé. Trẻ sẽ không thể thoải mái đi vệ sinh nếu luôn lo sợ bị rơi xuống bồn cầu.
Cha mẹ có thể làm cho việc đi vệ sinh trở nên dễ dàng với trẻ chỉ bằng những hành động đơn giản như:
- Giới thiệu và giải thích về bô, cho con thử ngồi để kiểm tra kích thước và làm quen với vật dụng mới.
- Cho trẻ xem tranh, phim hoạt hình có hình ảnh các nhân vật ngồi bô và giải thích hành động của nhân vật.
- Chú ý đến thời điểm con hay đi vệ sinh trong ngày và cố gắng khuyến khích con ngồi bô vào những thời điểm đó. Điều này có thể không đúng đối với tất cả các bé. Thực tế, việc luyện đi vệ sinh cho trẻ bắt đầu khi bé đã phát triển cảm giác muốn đại tiện hoặc tiểu tiện.
- Dạy con một số từ liên quan đến việc đi vệ sinh ví dụ, cha mẹ có thể dạy bé “đi tè”, “đi ị” và “con muốn tè/ị”.
- Mặc cho con những loại quần áo đơn giản dễ tháo, cởi ví dụ mặc quần cạp chun. Khi thời tiết ấm áp, ở nhà có thể cởi bớt quần lót của trẻ.
- Cho con ngồi bô hàng ngày vào những thời điểm con thường có nhu cầu đi vệ sinh, chẳng hạn 30 phút sau khi ăn hoặc sau khi tắm.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng nhiều chất xơ và uống nhiều nước để con không bị táo bón vì điều này khiến việc luyện tập trở nên khó khăn.
- Không ép con nếu bé không hợp tác hoặc không hứng thú. Chờ đến khi con sẵn sàng hợp tác trở lại.
- Khen ngợi sự cố gắng của con (ngay cả khi trẻ tiến bộ chậm) và khen nhiều hơn khi con thành công. Tuy nhiên, khi con đã đạt được điều này, hãy hạn chế lời khen.
- Quan sát những cảnh báo con cần đi vệ sinh như dáng điệu của trẻ, “xì hơi” hay bỗng nhiên im lặng.
- Thỉnh thoảng ở một vài thời điểm trong ngày (nhưng không thường xuyên quá) mẹ có thể hỏi xem liệu bé có muốn đi vệ sinh không. Chỉ nên nhắc nhở nhẹ nhàng để tránh tạo ra áp lực cho trẻ.
- 5 phút là khoảng thời gian vừa đủ để bé ngồi bô hoặc ngồi toilet. Nếu kéo dài, việc đi vệ sinh sẽ giống như một cách phạt trẻ.
Để bé học được cách vệ sinh sau mỗi lần đi bô hay đi toilet, phụ huynh cần làm mẫu cho trẻ đến khi bé có thể tự thực hiện việc này. Hãy nhớ lau từ phía trước ra phía sau đặc biệt là với bé gái để tránh các vi khuẩn từ phân và hậu môn xâm nhập vào âm đạo.
Hướng dẫn bé trai cách vẩy nhẹ "cậu bé" sau khi đi tiểu tiện để tránh nước tiểu còn đọng lại.
Hướng dẫn con vệ sinh tay sau mỗi lần đi vệ sinh. Đây có thể là hoạt động thư giãn giúp trẻ cảm thấy việc đi vệ sinh trở nên dễ chịu hơn.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, luyện cho con thói quen đi vệ sinh đòi hỏi sự kiên nhẫn vì công việc này có thể mất từ vài ngày đến vài tháng. Đây cũng không phải là một cuộc chạy đua giữa các con nên cha mẹ không nên có tâm lý nóng vội.
Rèn cho con thói quen đi vệ sinh là giúp con hình thành khả năng kiểm soát cơ thể tự chủ. Những sự cố hay khó khăn mà trẻ phải đối mặt chỉ là vấn đề nhỏ trong cả quá trình. Cha mẹ cần hiểu rõ điều này để không la mắng hay làm con căng thẳng khi bé chẳng may mắc lỗi.
Ngoài ra, vấn đề sức khỏe của trẻ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đi vệ sinh tự chủ của bé. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đến:
- Tần suất trẻ đi vệ sinh.
- Lượng phân và nước tiểu mỗi lần đi tăng lên hay giảm xuống.
- Phân có rắn khiến bé đau đớn hay không.
Phân nhầy hay nước, phân có dính máu không…
Tư vấn bệnh miễn phí: 0838208315 - 0906705500 (Bs Thùy Linh)
theo Raisingchildren.net
|
Các bài khác: |