Tin sức khỏe tổng hợp

Quyết tâm bỏ thuốc lá

Quyết tâm bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá hiện đang là một trong những nguyên hàng đầu gây tử vong, không chỉ ở các nước triển mà còn ở những nước đang phát triển. Ở Mỹ, người ta ước lượng có khoảng 400.000 người chết mà thủ phạm chính là do hút thuốc lá, ngoài ra còn khoảng 40.000 người tử vong do tim mạch vì hít thở phải khói thuốc lá do những người xung quanh hút thuốc và thải khói ra (còn gọi là hút thuốc thụ động). Hút thuốc lá còn là nguyên nhân của những bệnh không gây chết người như loãng xương, da nhăn nheo, loét dạ dày tá tràng, bất lực và biến chứng trên thai kỳ.

Ngưng hút thuốc và tránh xa khói thuốc tuy khó nhưng có thể thực hiện được.

Những lợi ích khi bỏ thuốc lá:

Bỏ thuốc lá có lợi rất lớn cho sức khỏe ngay tức thì và lâu dài, cho cả nam và nữ, và cho mọi lứa tuổi. Những người bỏ thuốc lá trước 50 tuổi sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong trong vòng 15 năm tới so với những người vẫn tiếp tục hút thuốc lá. Nó cũng có lợi cả cho những người hút thuốc thụ động tránh được một số bệnh nghiêm trọng cho sức khỏe.

Bệnh tim mạch:

Hút thuốc lá làm tăng gấp 2 lần nguy cơ bị bệnh mạch vành, ngưng hút sẽ làm nguy cơ này giảm nhanh chóng. Một năm sau khi ngưng hút thuốc, nguy cơ này đã giảm đi phân nửa và tiếp tục giảm theo thời gian.

Bệnh phổi:

Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ bị các bệnh về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trong khi nhiều tổn thương phổi do hút thuốc lá không hồi phục khi ngưng thuốc, nhưng ngưng thuốc lá sẽ làm giảm tổn thương chức năng phổi, giảm tình trạng ho và tăng tiết đàm kéo dài (thường xảy ra ở những người hút thuốc lá lâu ngày)

Ung thư:

Hút thuốc lá là thủ phạm chính của 90 % các trường hợp ung thư phổi. Ngưng thuốc lá làm giảm nguy cơ này trong vòng 5 năm sau khi ngưng hút, mặc dù những người trước đó hút thuốc lá vẫn có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn những người chưa từng hút thuốc lá. Ngưng thuốc lá cũng làm giảm khả năng bị các loại ung thư khác như ung thư đầu cổ, ung thư thực quản, ung thư tụy, và ung thư bàng quang. Lợi ích của ngưng thuốc lá thậm chí vẫn còn thể hiện khi đã bị ung thư vì nó làm giảm nguy cơ bị ung thư thứ hai và có thể cải thiện tiên lượng sống của ung thư đầu.

Bệnh loét dạ dày tá tràng:

Ngưng hút thuốc lá làm giảm khả năng bị loét đường tiêu hóa, tăng khả năng lành các ổ loét.

Loãng xương:

Hút thuốc lá làm tăng sự mất xương và phụ nữ sẽ dễ bị gãy xương đùi khi hút thuốc. Nguy cơ này sẽ cải thiện sau 10 năm sau khi bắt đầu ngưng thuốc. Ở nam cũng có sự mất xương do thuốc lá nhưng nguy cơ gãy xương thì không rõ ràng.

Những bệnh khác:

Hút thuốc lá cũng làm nhiều bệnh lý khác trở nên xấu hơn. Ví dụ, phụ nữ có thai khi hút thuốc lá thì thai dễ có dị tật, thai nhỏ ký, sanh non. Hoặc người hút thuốc lá dễ bị rối loạn khả năng tình dục (như bất lực).

Các khó chịu gặp phải khi bỏ thuốc:

Nhìn chung những lợi ích đạt được khi bỏ thuốc luôn nhiều hơn những nguy cơ gặp phải khi bỏ thuốc. Tuy nhiên, người muốn bỏ thuốc cũng nên chuẩn bị tâm lý vì có thể sẽ gặp những khó chịu. Đỉnh điểm của những khó chịu này thường xảy ra vào 3 ngày đầu ngưng hút và sẽ giảm dần trong 3-4 tuần sau.

Những triệu chứng khó chịu khi bỏ thuốc là mất ngủ, dễ kích thích, giận dữ, lo lắng, khó tập trung, cảm giác bồn chồn không yên, giảm nhịp tim. Cũng có thể có những đợt thèm thuốc, có thể rất dữ dội, kéo dài vài tháng, thường xảy khi có căng thẳng hoặc uống rượu. Cơn thèm thuốc có thể qua đi nếu biết phớt lờ chúng. Người bỏ thuốc cũng có thể trải qua những cơn trầm cảm, đôi khi nặng cần phải dùng thuốc chống trầm cảm hoặc họ có thể hút thuốc trở lại.

Điều quan trọng để không hút thuốc trở lại là ngăn ngừa bị trầm cảm bằng cách phát hiện sớm. Những triệu chứng nghi ngờ là mất ngủ, kích thích, buồn bã, mất tập trung.

Người bỏ thuốc cũng dễ tăng cân do ăn nhiều, trung bình khi bỏ thuốc có thể tăng 1-2.5 kg trong 2 tuần đầu, sau đó là 2-3.5 kg trong 4-5 tháng kế. Tăng cân trung bình là 4-5 kg. Để hạn chế tăng cân, có thể áp dụng chế độ ăn kiêng và tập thể lực.

Khi bỏ thuốc cần chuẩn bị những gì:

Sau khi quyết định sẽ bỏ thuốc, nên chọn ngày bỏ thuốc. Lý tưởng, nên chọn một ngày trong vòng 2 tuần sau khi quyết định, nhưng đôi khi cũng nên chọn một ngày đặc biệt để bắt đầu (như kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật)

Giảm dần số lượng điếu thuốc hút cũng là một cách bỏ thuốc thành công, nhưng biện pháp cắt đứt hoàn toàn ngay với thuốc lá xem ra hiệu quả hơn. Một số người chuyển qua hút các loại thuốc nhẹ hơn nhưng điều này thường lại làm họ hít nhiều hơn và sâu hơn nên không hiệu quả.

Một cách khác giúp thành công trong việc cai thuốc lá là nói chuyện với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về kế hoạch bỏ thuốc của mình và nhờ họ giúp đỡ. Tránh hút thuốc tại nhà, trong xe, những nơi có nhiều thời gian rảnh rỗi. Chuẩn bị tinh thần để giải quyết những triệu chứng ngưng nicotine như lo lắng, trầm cảm, thèm thuốc. Tránh những tình huống có thể làm cai thuốc thất bại như những tình huống gây căng thẳng, uống rượu, có những người hút thuốc trong nhà hoặc nơi làm việc.

Một số hoạt chất cũng thường được sử dụng như là thuốc dùng cho bỏ thuốc lá như điều trị thay thế nicotine và bupropion, verenicline.

Điều trị thay thế nicotine được cho là an toàn, ngay cả với người có bệnh tim mạch. Tuy nhiên, không được sử dụng sản phẩm thay thế nicotine khi hút thuốc lá. Có nhiều dạng bào chế nicotine trên thị trường như dạng kẹo cao su, dạng viên thuốc hình thoi, miếng dán, dạng xịt mũi, dạng hít. Các dạng này có hiệu quả tương đương nhau.

Những nguyên nhân khiến bạn thất bại khi bỏ thuốc lá:

Nhiều người có thể bị thất bại bỏ thuốc lá nhiều lần trước khi cai thuốc được hoàn toàn. Thời gian thất bại thường xảy ra trong tuần đầu bỏ thuốc vì đây là thời điểm hay gặp các triệu chứng khó chịu khi bỏ thuốc và những triệu chứng thường mạnh nhất trong giai đoạn này.

Hãy nhớ trong đầu rằng mỗi lần bỏ thuốc lá là một lần thành công, và thời gian bỏ thuốc càng lâu càng tốt. Mỗi lần bỏ thuốc lá thất bại là một lần rút ra được những kinh nghiệm quý báu để lần sau bỏ thuốc kéo dài hơn và đến một lúc nào đó sẽ bỏ hoàn toàn được thuốc lá.

BS Hà Thị Kim Hồng (BV Nhân dân 115)


Các bài khác:

Gửi bởi: dominhduc

Ngày 24/08/2012 vào lúc 05:08:52
Ai bảo bỏ thuốc lá khó đâu ? Riêng tôi thì bỏ rất dễ , mà phải bỏ một phát luôn chứ không bỏ từ từ đâu nha . Chúc những ai muốn bỏ thuốc lá sẽ thành công .
BÁC SĨ THÙY LINH
TƯ VẤN MIỄN PHÍ
090 670 5500

ĐẶT HÀNG - MUA HÀNG
(028) 6684 3862
(028) 38208315
(T2-T6: 8h-17h
T7: 8h-12h)
khuyến mãi mua hàng online
TÌM KIẾM
Tìm nâng cao  
WEB LIÊN KẾT