Chúng ta biết rằng đường (glucose) là nguyên liệu chính để cơ thể hoạt động. Cơ thể chuyển hóa đường để cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động.
Có các loại đường đơn (monosaccharide) như glucose, fructose, maltose, galactose, v.v.. và đường phức (polysarcharid) như tinh bột. sarcharose, lactose, v.v..
Cơ thể được cung cấp đường từ bên ngoài qua sự tiêu hóa thức ăn và từ bên trong qua quá trình ly giải glucogen và tân tạo đường từ những chất không phải carbonhydrate xảy ra ở gan.
Quá trình tiêu hóa thức ăn có glucid thực chất là quá trình thủy phân các loại đường phức dưới tác dụng của amylase để cho các loại đường đơn (MS). Sau khi được hấp thụ ở phần đầu ruột non glucose vào gan qua hệ thống tĩnh mạch cửa rồi theo đường máu đến các cơ quan của cơ thể để chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể hoạt động hoặc được cơ thể dự trữ dưới dạng glycogen ở gan và cơ trong đó gan là nơi dự trữ quan trọng nhất. Khi cơ thể cần năng lượng, glycogen sẽ được thoái giáng để cho ra glucose.
Sự điều hòa glucose trong cơ thể
Cơ thể luôn giữ mức đường huyết (glucose huyết) ở một khoảng hằng định không được quá cao cũng không được quá thấp. Khi vì lý do nào đó, mức đường huyết vượt qua khoảng hằng định cho phép sẽ gây tổn thương cho cơ thể: mức đường huyết vượt quá giới hạn trên sẽ gây ra bệnh đái tháo đường; khi mức đường huyết thấp hơn giới hạn dưới sẽ gây hạ đường huyết có thể đưa đến hôn mê, tử vong.
Mức đường huyết bình thường vào khoảng 80mg/dl (4.5mmol/l) - 100mg/dl (5.5mmol/l).
Vai trò của các hormone đối với mức đường huyết
Mức đường huyết bị kiểm soát bởi các hormone có liên quan đến việc chuyển hóa glucose, quan trọng nhất là insulin, một hormone được tiết ra từ các tế bào beta của tiểu đảo Langerhan tụy tạng. Glucose chỉ được vận chuyển vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng khi có insulin. Tại gan, insulin kích thích sự tổng hợp và dự trữ glycogen đồng thời cũng ức chế sự ly giải glycogen, sự sản sinh ceton và sự tân sinh đường. Tại cơ, insulin có vai trò kích thích sự tổng hợp glycogen để thay thế cho lượng glycogen bị tiêu hao khi co cơ. Nó cũng kích thích sự tổng hợp chất đạm bằng cách tăng sự chuyên chở acid amin và sự tổng hợp protein ở ti thể. Tại mô mỡ, insulin kích thích sự tổng hợp triglycerid, một dạng dự trữ mô lipid. Insulin cũng ức chế sự thủy phân triglycerid dự trữ từ trong tế bào. Cuối cùng insulin còn có tác dụng ức chế sự sản xuất các hormone gây tăng đường huyết.
Do đó, nếu thiếu tuyệt đối hoặc tương đối insulin, cơ thể sẽ mắc bệnh đái tháo đường.
Ngoài insulin, còn có một số các hormone gây tăng mức đường huyết như Glucagon, Cortisol, Catecholamin. Glucagon được tiết ra bởi tế bào A của tụy, nó kích thích sự phân giải glycogen để cung cấp năng lượng cho các mô khi đói, nó cũng giúp duy trì sự phóng thích glucose có nguồn gốc từ chất amin (qua quá trình tân sinh đường), kích thích sự phóng thích thể ceton (qua quá trình sinh ceton).
Cortisol được tiết ra bởi vỏ thượng thận, nó kích thích quá trình tân sinh đường ở gan, làm tăng đáp ứng của gan với những hormone tăng đường huyết (Glucagon, Catecholamin). Cortisol còn làm giảm sự thu nạp acid amin ở các mô ngoại vi dẫn đến việc làm giảm chất đạm và một số acid amin được dùng cho sự tân sinh đường. Các chức năng khác của Cortisol là phóng thích glycerol và acid béo từ sự ly giải mô mỡ, tăng sự phóng thích lactate từ cơ. Các hormone Catecholamin (adrenalin, noradrenalin) được điều tiết bởi tuyến thượng thận, gây tăng đường huyết do ức chế tiết insulin, tăng ly giải glycogen ở gan và cơ và tăng sự ly giải lipid.
Tóm lại cơ thể khi thiếu tuyệt đối hay tương đối insulin và/hoặc tăng những hormone gây tăng đường huyết sẽ bị bệnh Đái tháo đường.
Các bài khác: |